TÍCH HỢP GIÁO DỤC QUYỀN TRẺ EM
TRONG CHĂM SÓC GIÁO DỤC TRẺ MẦM NON
Giáo dục quyền của trẻ em trong trường mầm non là vô cùng quan trọng, đóng vai trò quyết định trong việc phát triển toàn diện của trẻ. Việc giáo dục quyền của trẻ em từ khi còn nhỏ tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển tương lai của trẻ, giúp trẻ trở thành những công dân tự tin, có ích và có trách nhiệm trong đời sống cộng đồng và xã hội.
Hiểu được tầm quan trọng, trường mầm non Đồng Quang đẩy mạnh việc tích hợp giáo dục quyền trẻ em trong hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ theo chủ đề, giáo viên đã linh hoạt tích hợp các nội dung giáo dục quyền trẻ em; sử dụng hiệu quả các phương pháp giáo dục, các tình huống vào các hoạt động của trẻ một cách phù hợp tâm tư và nguyện vọng của trẻ; như:
1. Thông qua hoạt động đón, trả trẻ:
Trò chuyện với trẻ về quyền trẻ em, thông qua hình thức cùng cô trao đổi. Trong quá trình trò chuyện, cô giáo tạo điều kiện cho trẻ thoải mái và tự tin khi chia sẻ ý kiến của mình, khuyến khích trẻ đặt câu hỏi và thảo luận tự do. Khi trò chuyện cô sử dụng từ ngữ đơn giản và phù hợp với độ tuổi của trẻ để truyền đạt ý nghĩa về quyền của trẻ em. Tạo cơ hội cho trẻ được đặt câu hỏi và chia sẻ ý kiến của mình. Cô giáo hãy lắng nghe và trả lời các câu hỏi một cách cởi mở và chi tiết.
Sử dụng tình huống thực tế hoặc ví dụ để minh họa các quyền của trẻ em :
Ví dụ: Một trẻ trong lớp bị ốm, cô có thể hỏi cả lớp nếu bạn bị ốm thì lúc này bạn cần điều gì? Trẻ sẽ trả lời: Bạn cần khám bệnh, chăm sóc, nghỉ ngơi….Từ đó cô giáo cung cấp, giới thiệu cho trẻ về quyền được chăm sóc sức khỏe khi bị ốm…
Ngoài ra giáo viên có thể cho trẻ xem tranh ảnh hoặc các tình huống liên quan đến thực hiện các quyền trẻ em với bản thân mình, với bạn bè ở trong nhóm, lớp; với anh, chị, em ở nhà. Khuyến khích trẻ liên hệ thực tế và hướng dẫn trẻ thể hiện cách ứng xử phù hợp.
Hình ảnh: Trẻ tự tin trò chuyện trao đổi cùng cô

2. Thông qua hoạt động học
Tích hợp nội dung giáo dục quyền trẻ em trong các nội dung giáo dục thông qua các lĩnh vực phát triển và đưa vào hoạt động giáo dục trẻ, để đạt mục tiêu giáo dục đề ra. Xác định được các nội dung cụ thể và mức độ tích hợp hợp lý theo từng lĩnh vực và độ tuổi.
Ví dụ: Trong hoạt động phát triển nhận thức: KPKH- Chủ đề: Bản thân “Nhận biết đặc điểm giới tính của bản thân” qua đó cho trẻ nhận biết các vùng nhạy cảm của bản thân-> quyền được bảo vệ không bị xâm hại.
Hình ảnh: Hướng dẫn trẻ nhận biết vùng nhạy cảm

.jpg)
Thông qua dạy trẻ kĩ năng phòng tránh bị bắt cóc, kĩ năng khi gặp hỏa hoạn… qua đó giáo dục trẻ quyền được bảo vệ không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt, quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường…
Hình ảnh: Dạy trẻ không đi theo người lạ


3. Thông qua hoạt động vui chơi
Trẻ mầm non hoạt động vui chơi là chủ đạo chính vì thế thông qua các hoạt động: Hoạt động chơi ở các góc, hoạt động chơi ngoài trời, hoạt động chiều tích hợp giáo dục quyền trẻ em của bản thân và các bạn….Tổ chức quan sát, trò chuyện, thảo luận về những nơi nguy hiểm cần tránh, những yếu tố (nhân tố) có nguy cơ gây mất an toàn cho bản thân cần phòng tránh. Chơi các trò chơi thực hành kỹ năng thực hiện quyền trẻ em của bản thân và quyền của trẻ em khác….
Hình ảnh: Trẻ tham gia các hoạt động chơi


Hình ảnh: Hướng dẫn trẻ các kĩ năng phòng tránh nguy hiểm, kĩ năng khi gặp nạn

4. Thông qua chế độ sinh hoạt hàng ngày như hoạt động vệ sinh, ăn trưa: Nhắc nhở trẻ kiên nhẫn, tôn trọng bạn khác, chờ đến lượt…
Thực hành các tình huống nguy cơ hay chơi các trò chơi rèn luyện kỹ năng thực hiện quyền trẻ em của bản thân và bạn bè. Nghe kể chuyện, đóng kịch, đọc thơ...có nội dung liên quan đến thực hiện quyền trẻ em.
5. Thông qua các hoạt động trải nghiệm khác
Giúp trẻ hiểu quyền được giao lưu học hỏi, tìm hiểu về xã hội bên ngoài, ngoài gia đình và lớp học; nhà trường và giáo viên cần tạo cơ hội giúp trẻ được tiếp xúc với xã hội bên ngoài thông qua hoạt đông trải nghiệm đơn giản, gần gũi trong điều kiện đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ.
Hình ảnh: Trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm

6. Phối hợp cùng cha mẹ trẻ và cộng đồng
Để việc giáo dục quyền trẻ em đạt hiệu quả ngoài việc tích hợp giáo dục trẻ trong các hoạt động trong ngày thì việc phối kết hợp với cha mẹ và cộng đồng cũng rất quan trọng.
Giáo viên có thể trao đổi trực tiếp cho cha mẹ trẻ trong giờ đón trả trẻ; cần chọn lọc những thông tin cần thiết nhất về trẻ để trao đổi với cha mẹ trẻ hiệu quả.
Ví dụ: Như không phân biệt đối xử giữa trẻ với các anh, chị mình; Cha, mẹ cần dành thời gian trò chuyện và chơi với trẻ ra sao... Có thể trang bị thêm cho cha, mẹ một số tình huống chơi hay trải nghiệm với trẻ để họ thực hiện tại nhà nhằm củng cố các hành vi tích cực của trẻ.
Mời cha, mẹ tham quan, tham dự buổi chơi của trẻ, hoạt động ngoại khóa…. Qua đó, cha, mẹ hiểu biết cụ thể về cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, cách giáo dục và kích thích trẻ bộc lộ bản thân nhằm phát triển toàn diện, qua đó cần tích cực phối hợp với nhà trường trong chăm sóc, giáo dục trẻ.
Lồng ghép các nội dung phổ biến kiến thức và kỹ năng, hành vi thực hiện quyền trẻ em trong chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà cho cha mẹ thông qua các cuộc họp cha mẹ trong năm học.
Thông qua nhóm zalo, facebook, bảng tin của lớp giáo viên chụp và trưng bày những hình ảnh hoạt động của trẻ ở lớp, ở trường, đồng thời khuyến khích phụ huynh; cộng đồng, xã hội cùng tham gia trưng bày những hình ảnh hoạt động của trẻ em ở nhà và dân cư, cộng đồng có liên quan đến thực hiện quyền trẻ em, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
Người duyệt bài Bài viết:
Trần Thị Bích Xòe Vũ Thị Lãnh