Sinh hoạt chuyên môn "Tổ chức hoạt động giáo dục âm nhạc theo hướng
tiếp cận đa văn hóa"
Âm nhạc là phương tiện giúp trẻ nhận thức thế giới xung quanh, phát triển lời nói, quan hệ giao tiếp, trao đổi tình cảm. Đối với trẻ, âm nhạc là thế giới kì diệu đầy cảm xúc. Trẻ có thể tiếp nhận âm nhạc ngay từ khi còn nằm trong nôi. Trẻ MN dễ có cảm xúc, ngây thơ nên tiếp xúc với âm nhạc là nhu cầu không thể thiếu. Thế giới âm thanh muôn màu không ngừng chuyển động tạo điều kiện cho trẻ phát triển các chức năng tâm lí, năng lực hoạt động và sự hiểu biết của trẻ.
Giáo dục âm nhạc là giáo dục tình cảm đạo đức, thẩm mỹ cho trẻ. Giáo dục âm nhạc hình thành cho trẻ lòng yêu thiên nhiên, Tổ quốc, tình yêu thương con người. Không chỉ vậy, giáo dục âm nhạc còn là phương tiện nâng cao khả năng trí tuệ, phát triển thể chất, giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, củng cố kiến thức trẻ qua học tập, vui chơi. Quá trình trẻ tiếp xúc và hoạt động âm nhạc như học hát, nghe hát, vận động theo nhạc, chơi trò chơi âm nhạc... sẽ hình thành ở trẻ những yếu tố của một nhân cách phát triển toàn diện, hài hoà, là sự phát triển về thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ và thể lực.
Thông qua tổ chức thực hiện chuyên đề “Tổ chức các hoạt động giáo dục âm nhạc theo tiếp cận đa văn hóa ở các cơ sở GDMN” nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giúp giáo viên có cơ hội vận dụng kiến thức thực tiễn vào việc tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ theo tiếp cận đa văn hoá. Khi tổ chức hoạt động các giáo viên đã lựa chọn và sử dụng đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị dạy học đảm bảo tổ chức hoạt động giáo dục âm nhạc có sự đa dạng văn hóa, tạo cơ hội cho trẻ lựa chọn các đồ dùng, đồ chơi, dụng cụ âm nhạc theo ý thích và phù hợp với bài hát. Tổ chức hoạt động Nghe nhạc - nghe hát là phương thức nhanh chóng nhất giúp trẻ cảm thụ nhạc điệu, âm sắc bài hát. Cảm xúc âm nhạc cũng được phát triển và dần hình thành thói quen nghe nhạc ở trẻ. Hoạt động này góp phần rèn luyện khả năng tập trung, sự cảm thụ âm thanh. Hướng trẻ đến khả năng cảm thụ, đánh giá, nhận xét và bày tỏ được thể loại âm nhạc mình yêu thích.
Việc lồng ghép tích hợp đa văn hóa vào trong hoạt động giáo dục âm nhạc cho trẻ mầm non thông qua hoạt động giáo dục âm nhạc giúp trẻ lĩnh hội kiến thức một cách thoải mái và nhẹ nhàng nhất. Âm nhạc chính là con đường giáo dục, tự giáo dục để tiếp thu, lĩnh hội các giá trị văn hóa biến thành kinh nghiệm, vốn sống, tri thức. Mục tiêu của giáo dục chính là hình thành văn hóa cá nhân mang nét đặc trưng của văn hóa cộng đồng, dân tộc, xã hội và thời đại.
Có thể coi giáo dục đa văn hóa trong nhà trường chính là hệ thống các tác động có hướng đích của nhà giáo dục đến trẻ em và đến các yếu tố có liên quan qua các chiến lược và phương thức giảng dạy phù hợp nhằm trang bị hiểu biết về sự đa dạng văn hóa, về giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, hình thành thái độ thân thiện, bình đẳng, tôn trọng với người khác, dân tộc khác, phát triển khả năng giao tiếp, sự tự tin khi tham gia vào các hoạt động. Chính vì vậy ngay từ đầu năm học nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho 100%, để giáo viên nắm bắt được những nội dung mới của bậc học để áp dụng vào thực tế của lớp mình phụ trách.
Hoạt động giáo dục âm nhạc là một trong các hoạt động học luôn được giáo viên Trường Mầm non Đồng Quang luôn chú trọng từ khâu chuẩn bị giáo án, phương tiện đồ dùng, trang phục biểu diễn đến phương pháp và hình thức tổ chức một cách chu đáo. Đặc biệt năm học 2023 - 2024 thực hiện hoạt động giáo dục âm nhạc theo tiếp cận đa văn hóa được nhà trường và giáo viên quan tâm nhiều hơn. Trong giờ âm nhạc giáo viên lựa chọn các đề tài gần gũi, phù hợp với trẻ. Ngoài việc giáo viên cung cấp những kiến thức cơ bản cho trẻ về bài học, giáo viên còn giúp trẻ hiểu biết về sự đa dạng văn hóa về âm nhạc của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn và trên đất nước Việt Nam thân yêu. Hình thành cho trẻ thái độ tôn trọng giá trị truyền thống văn hóa về âm nhạc, phát triển khả năng cảm thụ âm nhạc, nhận biết đặc trưng một số thể loại âm nhạc phù hợp với độ tuổi, kỹ năng sử dụng các phương tiện nghệ thuật để thể hiện bản thân qua sản phẩm âm nhạc.
Các hoạt động giáo dục âm nhạc được giáo viên tổ chức với các hình thức và phương pháp giáo dục phù hợp đã trang bị cho trẻ hiểu biết về sự đa dạng văn hóa về âm nhạc của các vùng miền.
Một số hình ảnh hoạt động GDAN theo hướng tiếp cận đa văn hóa của trường mầm non Đồng Quang
Ngoài ra giáo viên cũng cho trẻ biết trên đất nước Việt Nam có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống như: Dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao… Mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng, có những làn điệu dân ca riêng gắn liền với trang phục và dụng cụ âm nhạc riêng.
Qua các hoạt động âm nhạc giáo viên giáo dục trẻ tình yêu thương, lòng tự hào, sự tôn trọng đa văn hóa, tôn trọng sự khác biệt, yêu thích văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam cũng như mở rộng sự hiểu biết của trẻ về sự phong phú của âm nhạc nước nhà cũng như âm nhạc trên thế giới. Có thể nói âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với con người nói chung và đối với trẻ mầm non nói riêng./.
Người duyệt bài Người viết bài
Trần Thị Bích Xòe Trần Thị Thu Huyền